Sự thật thì món canh búp khoai nấu mẻ ốc cho thêm ngò gai, hành hoa, thì là, rau ngổ vào thơm lừng, ngửi thấy là tiết nước miếng liền. Chỉ có điều ăn thì nó hơi nhằm nhặm ngứa ở cổ. Món gia vị làm nồi canh khoai ngứa có mùi thơm đặc biệt là rau ngổ. Sau này, khi không còn được ăn canh khoai ngứa, mỗi lần về quê hoặc đi công tác cơ sở, tôi hay ra cầu ao, ngồi vạt tay vào đám ngổ xanh rờn, mùi hương ngổ len lỏi vào kẽ tay, thoang thoảng trong khứu giác khiến tôi chao chát nỗi nhớ mẹ già khuất núi và nhớ món canh khoai.
.jpg)
Có ba loại khoai ngứa là khoai tía riềng, khoai bông và khoai "dắt mẹ lên bờ. Loại thứ ba thường chỉ để nuôi lợn, nuôi gà vì nó ngứa lắm. Vậy mà năm 1945, kiếm được khoai dắt mẹ lên bờ mà ăn đã là cái may mắn giúp sống sót qua những ngày khó khăn. Khoai tía riềng và khoai bông là thành phần chính triền miên trong món khoai hấp gạo của nhà tôi, làng tôi, quê tôi ngày ấy. Cứ lưng bát cơm lại độn thêm ba bát khoai. Củ khoai cái (củ to, ngon) được thái con bài rồi phơi khô cất trong bao xác rắn (bao tải nylon) trên gác bếp, đến bữa lấy xuống rửa sạch nấu chung với gạo. Ưu điểm của món khoai hấp cơm này là khoai vừa bở vừa dẻo, quyện với vị ngòn ngọt của gạo, ngon hơn sắn nhiều.
Xưa, vì chỉ cấy một vụ mùa, lại không có thuốc trừ sâu nên sản lượng lúa không đáng bao nhiêu, chỉ có khoai ngứa sống khỏe, sống dễ nên thành nguồn thực phẩm cứu cánh của cả người, cả lợn và gia cầm. Bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển, đất tốt để trồng lúa màu gối nhau mấy vụ, chỉ còn "đất héo" góc ruộng, khúc quanh chẳng trồng cấy được gì mới tận dụng trồng khoai ngứa.
Trồng khoai ngứa thật là cơ cực. Khoai cấy trong vườn ngon hơn khoai cấy ngoài ruộng nên vườn nhà nào cũng phải dành phần lớn đất cho loại cây này. Làm đất trong vườn phải xới kỹ rồi rắc trấu. Sau đó dùng một cành cây có chạc ba để lấy điểm tựa chọc xuống cho sâu, "lấy mói" trồng khoai. Mói lấy sâu bao nhiêu thì củ phình ra bấy nhiêu. Lấy mói rất mỏi và đau tay. Mỗi lần làm được một miếng (bằng 36 m2) đất trồng khoai thì tay cứ gọi là phồng rộp, mấy ngày cũng chưa khỏi. Làm đất cấy khoai dưới ruộng thì phải xới hai lượt đệm phân. Sau đó cũng lấy mói như ở trên vườn.
Xưa, trồng khoai ngứa còn gọi là trồng khoai thước hai, vì lấy mói mỗi cây cách nhau thước hai (khoảng 50 cm). Trong ba loại khoai ngứa, khoai dắt mẹ lên bờ dễ sống nhất, vứt đâu cũng được nên dù rất ngứa, người chẳng ăn được nhiều nhưng vẫn trồng nhiều để chăn nuối.
Sự nghèo khó tạo ra rất nhiều món ăn từ khoai ngứa. Tôi còn nhớ quanh năm phải ăn thứ khoai này. Ngày hội làng, được mẹ cho mấy xu đi xem hội, cả bọn chúng tôi lại rủ nhau mua ít khoai ngứa luộc để ăn. Chắc tại hồi đó cũng chỉ đủ tiền để mua thứ khoai này thôi. Ở nhà hay ăn khoai ngứa chấm vừng nhưng đi hội được ăn chấm mật, lạ miệng nên đứa nào cũng tấm tắc khen. Đến tận khi tôi đi thoát ly, cứ dịp nào bạn bè cũ ra thăm, món quà quê thể nào cũng có túi khoái tía riềng luộc.
Ngoài món canh búp khoai nấu mẻ ốc và khoai hấp cơm, dịp giỗ tết, chúng tôi còn được ăn khoai bung chân giò béo ngậy, thấy hỉ hả sung sướng lắm.
Mùa hè thì mẹ nấu chè khoai ăn. Nhồng khoai luộc lên rồi bóc vỏ thái mỏng, bột sắn nấu loãng thôi, cho vào quấy đều cho nhuyễn là bắc xuống múc ra bát cho nguội. Đi chăn trâu, cắt cỏ về, được húp bát chè khoai nguội thì tỉnh cả người. Hôm nào có tí mỡ, mẹ làm khoai rán thì các con mừng hú. Món này được làm khá cầu kỳ. Luộc khoai lên rồi cho vào cối giã mịn, khoai dẻo như bánh dày nên giã rất mỏi. Nhuyễn rồi thì nắm thành từng nắm rồi chiên vàng. Ăn khoai ngứa rán hồi đó là một món xa xỉ, nên chẳng bao giờ mẹ còn bánh mà bày ra đĩa. Bố mẹ mà không nhanh tay bốc thì cũng chào thua lũ trẻ con háu đói đứng chầu chực xung quanh. Món canh búp khoai nấu ốc mẻ mà có thêm vài miếng thịt ba chỉ cũng gọi là khác hẳn, ngon ngọt đủ làm quên hết mọi cảm giác ngứa móc trong họng.
Mẹ có nhiều cách làm giảm ngứa các món khoai cho chúng tôi. Mẹ thường luộc khoai hai nước. Lần luộc nào cũng nhớ cho vài hạt muối và phải luộc từ nước nguội. Luộc xong vùi trấu, vùi than cho đến khi khoai dừ, bở tung thì cái ngứa cũng theo hơi mà bay đi nhiều. Sau này có đường, khi khoai chín kỹ rồi thì cho thêm thìa đường vào nước luộc, ăn khoai vừa bở vừa ngọt... Nhưng cũng chỉ là giảm ngứa thôi chứ ăn vào là ngứa râm ran từ vòm miệng đến cổ họng. Món ăn như thế mà giờ trở thành ký ức.
2019 :D
Trả lờiXóabài rất hay nhá ..
Bài hay quá ạ !!!
Trả lờiXóa